Kinh nghiệm Trekking Nepal — Hành trình 21 ngày chinh phục Annapurna Circuit.

Đây là bài viết mình chia sẻ tất tần tật về những kinh nghiệm chuẩn bị và hành trình chi tiết chuyến trekking tự túc cung Annapurna Circuit vào tháng 10/2018.

Mình thấy ở có một vài bài viết về kinh nghiệm đi trek ở Annapurna Base Camp (ABC) bằng Tiếng Việt, như bài Full Kinh Nghiệm Trekking Nepal — ABC của anh Phạm Quang Tuân (mình đọc bài này nên có
cảm hứng đi Nepal luôn đó). Mà chưa thấy bài nào chia sẻ về cung Annapurna Circuit. Nên quyết định làm một bài chia sẻ, tuy không giỏi văn nhưng sẽ cố gắng hết sức… hehe.

Trên đỉnh đèo Thorung La — 5416m

Phần 1: Chuẩn bị cho chuyến đi

Phần này mình sẽ chia sẻ về kinh nghiệm chung cho chuyến đi trekking Nepal kể cả bạn đi Annapurna Base CampAnnapurna Circuit hay Everest Base Camp.

1. Tìm hiểu thông tin cơ bản

Nepal ở đâu? Có cái gì mà lại thu hút khách du lịch vậy? Bạn đã từng nghe đỉnh núi cao nhất thế giới Everest? Hay dãy núi Himalaya? Bạn nên dành ít thời gian search cái cho biết nha.

Những cung đường Trekking: Đa phần du khách đến Nepal là để đi trekking và du lịch cũng là nguồn thu lớn của đất nước này. Nepal là đất nước có cực nhiều cung đường trekking mà cung nào cũng thuộc dạng đẹp tầm cỡ thế giới. Trước khi tìm hiểu mình cũng rất lờ mờ, mới đầu đọc được bài của anh Tuân Phạm thì biết đến Annapurna Base Camp, sau đó là Everest Base Camp và sau nữa thì mình mới biết đến Annapurna Circuit.

Để biết hết thì bạn có thể search goolge và tham khảo thêm tại đây: Các cung đường trekking ở Nepal. Nhưng nổi tiếng và phổ biến nhất vẫn là 3 cung mình kể trên.

Nên đi mùa nào: Tháng 10, 11 hoặc Tháng 4, 5. Những mùa này đúng là cao điểm, vì không có mưa cũng không quá lạnh. Cảnh thì khỏi nói đẹp tuyệt vời, nếu may mắn sẽ thấy băng trên Tilicho Lake hoặc đèo Thorung La. Đi vào mùa mưa (monsoon season) thì giá rẻ nhưng xác định dính mưa, đường khó đi hơn, sương mù sẽ không thấy được cảnh…

Chú ý: Vì mỗi cung có số ngày trekbudget và độ khó cũng khác nhau. Nên đây là bước research quan trọng để bạn quyết định đi cung nào và nó ảnh hưởng đến việc chọn loại Visa nhập cảnh cũng như mua vé máy bay.

2. Tìm bạn đồng hành

Nếu có nhóm sẵn rồi đi chung thì ok, nhưng không nên quá 4 người. Còn bạn nào đi solo thì nên tìm cho mình một travel buddy. Theo mình tốt nhất là đi trekking, leo núi nhiều vào, bạn sẽ gặp được bạn mới và thường những bạn đó mới có máu đi trekking, mạo hiểm khả năng tìm đưọc cao hơn.

Nếu tìm bạn Việt không được thì lên CouchSurfing, Group trekking ở Nepal tìm bạn nước ngoài, nếu không thì trên đường trek bắt chuyện thấy ai hợp hợp thì rủ đi chung. Tại sao nên có bạn đồng hành?

  • Thứ nhất mình xác định đi tự túc nên phải tự xử hết, có vấn đề gì về sức khoẻ, sự cố có người đi cùng thì support cho nhau vẫn tốt hơn.
  • Thứ 2 có người chụp ảnh cho, đi một mình tự sướng với nhờ người khác chụp cũng phiền lắm, rồi đến mấy chỗ cảnh đẹp thì cũng có người để bình phẩm cùng lol.

Mình may mắn khi chơi với một nhóm toàn những người thích đi chơi, xê dịch, mạo hiểm nên nói ra cái là có người đi cùng liền luôn.

3. Làm thẻ thanh toán Visa (Debit và Credit)

Mình chia sẻ vài lý do tại sao nó quan trọng và nên có cả 2 thẻ này.

Debit card: Thẻ này chắc các bạn dùng nhiều, có thể rút được tiền mặt ở ATM nước ngoài, dùng cho trường hợp khẩn cấp.

Tại sao nên có một cái Credit card?

  • Nếu bạn search thấy vé máy bay giá rẻ mà Gạo chưa về thì làm sao? Vì thẻ này là tiêu trước trả sau nên bạn có thể dùng thể để mua vé, sau đó đến hạn chỉ cần thanh toán lại cho Ngân hàng.
  • Tiết kiệm được ít nhất 1 triệu. Nếu bạn chưa có và đăng ký mới thì hiện tại có nhiều chương trình khuyến mãi của các ngân hàn. VD: Làm HSBC chuẩn, chi tiêu trên 4 triệu sẽ được hoàn 1 triệu. Vậy bạn mua vé đi Nepal (khứ hồi chắc chắn sẽ hơn 4tr) bằng thẻ tín dụng và tiết kiệm trược 1 triệu, quá ngon.

Nói chung có 2 thẻ này đi ra nước ngoài tự tin hơn rất nhiều nha các bạn.

4. Mua vé máy bay

Bạn sẽ phải mua vé đến thủ đô Kathmandu của Nepal , thường ở Việt Nam sẽ đi transit qua Kuala Lumpur. Chuyến bay Saigon — Kuala Lumpur mất khoảng 2 tiếng, Kuala Lumpur — Kathamandu khoảng 4 tiếng.

Nên mua vé trước bao lâu?

Mình mua trước 2.5 tháng. Như mình, có ý định và nhen nhóm từ tháng 6. Rồi đi search thông tin và quyết định thời gian đi, đến đầu tháng 7 là bắt đầu search vé trong khoảng một tuần. Kinh nghiệm là bạn chỉ cần nhắm khoảng thời gian mình đi (VD trong tháng 10), sau đó tìm được ngày nào vé nào rẻ thì quất thôi. Và mua luôn cả 2 chiều nhé.

Bình thường mình hay tìm vé trên SkyScannerGoogle Flights. Nhưng đi Nepal thì không có nhiều lựa chọn, thường là Manlindo và AirAsia transit Kuala Lumpur, mình nhớ có thêm Nox Air trainsit ở Bangkok. Nhưng mình đi Manlindo và phải nói là quyết định cưc kì đúng đắn. Vì đợt rồi AirAsia đã huỷ toàn bộ các chuyến bay đi Nepal từ tháng 10 năm 2018.

Đi Manlindo bạn sẽ có 25kg hành lý free, ăn uống 2 chuyến (SGN-KLP, KUL — KTM), có phát mềm nếu bay buổi tối, có màn hình trên ghế để giải trí xem phim.

Để tính số ngày đi thì mình suggest cái công thứ dưới đây:

Tổng số ngày đi = 4 Ngày di chuyển + 1, 2 Ngày dự phòng + Số ngày trek.

Ngày di chuyển: Thời gian đi máy bay, ở Kathamandu, đi bus đến điểm Trekking và về lại Kathmandu.

Chú ý: Visa có 15 ngày và 30 ngày, bạn cân nhắc để đặt vé máy bay đi và về nằm trong khoảng số ngày này. Visa on arrival nên các bạn không cần lo lắng, chỉ cần đóng tiền là đi thôi 😉

5. Visa và Trekking Permit

Visa Nepal:  Visa on arrival, nghĩa là bạn sẽ xin Visa ở Sân bay. Tới đó chỉ cần điền form (làm trên máy tính luôn), đóng tiền là nhập cảnh vào thôi. Bạn không cần phải chuẩn bị ảnh thẻ để làm Visa vì làm trên máy tính sẽ có camera chụp hình luôn. Giá 25$:15 ngày và 40$: 30 ngày.

Trekking Permit:

  • TIMS for individual trekker: Cái này giống như đăng ký để họ quản lý các trekker vậy thôi, lỡ có sự cố thì sẽ biết và tìm. Mình đi không có Tourguide, sẽ làm loại Individual màu xanh lá cây, giá 2000 Rp.
  • ACAP: Ở Nepal có nhiều cung trek, nhiều vùng khác nhau. Nếu đi Annapurna Circuit thì sẽ làm loại này. Giá 2300 Rp.
  • Bạn nên chuẩn bị sẵn 4 cái ảnh thẻ (3×4 nền trắng) để làm 2 loại giấy này. Nếu không có thì ở đây có chụp hình miễn phí luôn, nhưng có thể đợi lâu.
  • Địa chỉ của Office làm 2 cái này ở đây, đi bộ từ trung tâm Thamel khoảng 25 phút.

6. Packing List:

Vì bạn đi trekking tự túc, không có Portter nên chỉ đem những đồ thật cần thiết và Balô không nên nặng hơn 12kg. Balo của mình nặng khoảng 12kg, xong qua bên Nepal mua thêm ít đồ + 2 lít nước mỗi ngày nữa lên hơn 13kg.

Đem theo cái gì?

Để dễ quản lý, bạn tạo một cái Google Sheet, list ra các thứ phải mua, mua cái nào tick vào cái đó là đảm bảo không bị sót.

Gear list của mình

  • Balô: Bạn nên mua loại 50 lít là Ok, vì max bạn cũng chỉ đêm khoảng 12kg –15kg thôi. Balo có trợ lực, mình nghĩ nên set balo có độ ưu tiên cao nhất. Lúc xem balo thì mượn đồ nặng bỏ vào mang thử, đeo balo và đứng tại chỗ khoảng 5 phút xem cảm giác như thế nào. Vì xác định bạn phải mang nó gần 8 tiếng một ngày.
  • Áo khoác chống nước.
  • Áo ấm lông vũ: Mình khuyên bạn nên mua 2 loại áo này riêng. Vì trên thị trường có bán loại 3 lớp, thấy rất tiện nhưng to và cồng kềnh. Khi bạn tháo ra mặc lớp ngoài thì lại bị rộng. Mấy áo này nên chọn màu nổi nổi tí đi cho dễ nhận dạng với lên hình cũng đẹp nữa haha.
  • Áo thun: 3 cái. Mặc áo bình thường hàng ngày của bạn cũng được, mình thì mua áo thể thao trên Decathlon mặc cho thoải mái hơn. Nhưng mà phải thoáng, nhanh khô nha, đi trời nắng đổ mồ hôi rất nhiều.
  • Áo thun nỉ: 1 cái.
  • Quần dài trekking: 2 cái. Nên chọn loại tháo ống, đi rất tiện. Hoặc có thể 1 quần dài 1 quần sort cũng ok.
  • Quần dài giữ ấm: 1 cái. Quần này mình dùng loại quần thể thao loại dù, có lớp lưới bên trong. Quần này để dành tối mặc ngủ thôi và ngày qua đèo sẽ mặc cho đỡ lạnh.
  • Giày cao cổ chống nưóc: Chọn cho kĩ, size lớn hơn giày bình thường 1 size, khi thử phải đi lên xuống cầu thang, đi qua lại nhiều lần, phải thoải mái thì đã mua. Mình có mang theo một đôi giày trail nữa, mang lúc đi side trek như Ice lake, Tilicho lake.
  • Dép kẹp.
  • Vớ: Đem theo khoảng 4 đôi vớ dày cao cổ và 2 đôi bình thường như bạn đi hàng ngày.
  • Mũ ấm đội đầu: Nên mua loại nỉ.
  • Găng tay: Mua loại nỉ luôn(len sẽ có lỗ gió vào rất lạnh), đầu ngón tay có phần da để dùng điện thoại cảm ứng.
  • Khăn đa năng: 2 cái là đủ.
  • Mũ lữoi trai.
  • Kính mát: Có ngày bị nắng chiếu trực tiếp vào mặt, nhờ có kính nên đỡ chói hơn nhiều.
  • Gậy trekking: 2 cái
  • Đèn pin đội đầu.
  • Túi rút đựng đồ: 2–3 cái.
  • Pin dự phòng: Tầm 10.000 mA là đủ dùng rồi.
  • Travel adaper: Mua loại Universal Travel Adapter có 2 cổng USB, sau này đi nước khác dùng luôn.
  • Túi ngủ: Mình không đem theo túi ngủ, mình thấy cũng không cần lắm. Tối ngủ lạnh thì có mềm dày của bên Hostel rồi.
  • Medicine: Thuốc chống say độ cao (có thể mua ở Kathmandu), Băng cá nhân Beroca, Salonpas, Paracetamon. Nếu ai bị viêm mũi dị ứng thì mua thêm loại này.
  • Kem chống nắng.
  • Son dưỡng môi: Phải có không lên cao lạnh bị nứt hết môi.
  • Nước muối xịt mũi: Khi ở độ cao tầm 4000 vì trời lạnh và khô, ngày nào thức dậy mũi cũng bị đóng một cục máu, nhiều lúc không thở được luôn, nên có cái này rửa mũi rất tốt.
  • Snacks: Mình mua mấy thanh energy bar, khô gà, hạt điều. Mình không đêm nhiều chỉ mua vừa đủ để ăn những trường hợp cần, hết thì mua trên đường. Chứ đêm nhiều nặng lắm.
Packing trước ngày lên đường

Chụp hình: Tất cả những hình ảnh mình chụp bằng iPhone 6s, còn quay phim thì mình quay bằng con GoPro hero 5 bạn mình. Mình thấy vậy là đủ rồi, gọn nhẹ không cồng kềnh.

Ngoài ra còn những vật dụng cá nhân cơ bản thì bạn có thể tự chuẩn bị cho phù hợp với mình: Kem đánh răng, dầu gội đầu, bột giặt, khăn…

Mua ở đâu: Cái này mình tốn khá nhiều thời gian để tìm kiếm, đi xem và thử nhiều nơi mới có được một vài cửa hàng mình thấy chất lượng và giá cả phù hợp:

  • Decathlon: Có một đợt mình bị cuồng decathlon, cái gì cũng lên đây mua. Bạn có thể tìm được hầu hết những thứ mình kể trên ở đây. Giá cả có từ rẻ đến đắt, chất lượng khá tốt, giao hàng và đổi trả nhanh (trong vòng 2 ngày). Mình mua ở đây: giày trek, giày trail, mũ, kính, quần tháo ống, áo thun, áo nỉ, đèn pin…
  • Hadee Jacket: Shop này mình mua áo chống nước, áo ấm lông vũ. Phải nói là mình rất thích và chất lượng tốt, lên hình đẹp haha. Lạnh -10 độ C, mặc 2 lớp áo này thì vô tư.
  • Phượt Shop: Mình mua cái balo Osprey Atmos AG 50 ở đây, đi trekking đường dài cố gắng chọn cái balo tốt tốt tí. Bên shop cũng các nhiều mẫu balo khác với giá cả mình thấy khá ổn, bạn có thể tham khảo.

Có vài món không quan trọng thì mình mua ở bên Kathmandu như: Mũ nỉ ấm(300Rp), găng tay (500Rp), gậy trekking (2200Rp). Nhớ trả giá gắt vào ít nhất xuống 40% rồi trả lên.

Cách Packing: Nên chia đồ ra các túi rút riêng

  • Thứ 1 để dễ tìm đồ: VD áo để một túi, quần để một túi, những thứ còn lại một túi.
  • Thứ 2 lỡ có dính trời mưa hay ba lô bị rớt nước thì vẫn còn một lớp bảo vệ tránh ướt đồ.
  • Thứ 3 những ngày đi side trek như Ice Lake, Tilicho Lake có thể dùng túi để đựng nước và đồ cần thiết.
Hai balo tổng cộng khoảng 15kg

7. Tập thể lực

Mình chuẩn bị cũng khá kỹ. Sau khi mua vé xong bắt đầu lên plan.

  • Chay bộ: Mình kiếm cái giáo án chạy 21km (half marathon) về để tập. Thật ra bạn chỉ cần tập chạy tầm 10km là ok rồi nhưng do mình có đăng kí chạy trail Đà Lạt nên luôn tiện tập luôn. Tuần chạy khoảng 2–3 lần thôi. Cố gắng cuối tuần chạy đường dài 8km — 10km.
  • Leo núi: Mình leo Bà Đen 3 lần (mỗi tháng 1 lần), leo về trong ngày. Phải nói Bà Đen là nơi cực kì tốt để luyện vì độ dốc bà đen cao. Nên vác theo ba lô cỡ 5–8kg khi leo cho quen =))).

Nếu quá lười và bận không có thời gian tập thì có đi được không?

Thật ra cũng không sao, mình nghĩ bạn vẫn đi được. Nhưng khi Các bạn tập luyện thì mình sẽ khoẻ và dẻo dai hơn, khi đi trek sẽ thấy ít mệt và enjoy nhiều hơn. Chứ đi mệt quá, chỉ tập trung đi thì nhiều khi không còn thấy cảnh đẹp nữa. Mà đừng lo khi mua vé rồi thì có động lực ghê lắm 😀

8. Lên lịch trình

Cung mình đi là Annapurna Circuit + Tilicho Lake (hồ này không nằm trên đường chính Annapurna Circuit). Nên các bạn chú ý khi tìm hiểu, có nhiều bài lịch trình sẽ không có Tilicho Lake.

Tổng cộng số ngày trek của mình là 14 ngày với tổng quảng đường khoảng 250kmbắt đầu từ Besisahar kết thúc tại Tatopani. Từ đi Tatopani bắt Bus về Pokhara, ở đây 2 đêm sau đó đi bus về lại Kathmandu. Nếu đi hết cung thì điểm cuối là Nayapul, mất thêm 2 ngày nữa (sẽ ở Pokhara 1 đêm).

Lịch trình nên làm trong tháng trước khi đi. Mình cũng lên mạng search tìm mấy lịch trình của những người đi rồi follow theo thôi. Trung bình sẽ trek khoảng 18km mỗi ngày, từ 6–8 tiếng. Sẽ có vài ngày đặc biệc dài hơn.

Cái này mình cứ flexible, tại sức khoẻ mỗi người mỗi khác nên khi đi nếu quá nặng hoặc quá nhẹ thì tự điều chỉnh cho phù hợp. Chi tiết lịch trình mình có bài chia sẻ lịch trình 21 ngày bên dưới.

Nên lưu hết những thông tin tìm được ra file pdf, xong copy vào điện thoại. Trên đường đi đọc offline rất tiện. Vì hành trình dài nên nhiều khi ở nhà bạn đọc cũng chưa tưởng tượng được hết. Nhưng đến khi trek, buổi tối nên mở ra xem lại những note về cung đường thì hôm sau đi sẽ dễ hơn nhiều.

Lịch trình của nhóm mình đi.

Đường đi

Đường đi đa phần đều có biển chỉ dẫn, Map cũng rõ ràng, bạn an tâm rất khó để đi lạc. Làng mạc trên đường đi cũng nhiều, cách nhau không xa. Xuyên suốt sẽ có 2 con đường song song là đường Trekking ACAP và đường xe Jeep.

Maps.me cái này là không thể thiếu cho dân Individual Trekking. Rất chuẩn xác, tính thời gian đi giưã 2 điểm gần đúng 90%. Chỉ có một vài đoạn chưa được cập nhập nên không chính xác lắm. Các bạn đọc trong phần lịch trình chi tiết mình có note lại.

Bạn down offline về, dựa theo lịch trình để bookmark hết tất cả các điểm trên cung đường trên này. Khi đi cứ follow theo rất dễ dàng.

Bạn có thể tham khảo route map mình tìm được trên mạng tại link này: Complete route on GoogleMap

Còn đây là File Bookmarks route map (.kmz) của mình trên maps.me. Sẽ có hết tất cả những điểm mình đi qua trên cung Annpurna Circuit. Bạn down về rồi import vào Maps.me (Cách import bookmarks trên maps.me)

Ở Kathmandu mình có mua thêm cái bản đồ giấy nữa, phòng hờ trường hợp điện thoại có vấn đề. À ở Kathmandu thì bạn nên tải Google Maps Offline về, dùng tiện hơn.

Nếu bạn nào thong thả tài chính và thời gian thì nên thử Paragliding ở Pokhara giá tầm 60$ hay Bungee Jump độ cao 160m tại The Last resort nha, cũng thuộc top 10 của thế giới đấy. Giá đâu khoảng 100$ cho tour trọn gói từ Kathmandu.

9. Ăn ở Trên đường Trek

Vì những cung đường trekking này đã lâu đời rồi nên các tiện ích trên đường đi hầu như cung cấp đủ cho bạn khỏi phải bận tâm lo lắng về việc này, chỉ tập trung cho việc trekking.

Ăn:

  • Thức ăn tại các teahouse trên đường trek cũng khá dễ ăn, ban đầu cứ nghĩ chỉ có đồ Ấn Độ kiểu cà ri nhưng thực ra Menu đa phần là món Tây và chế biến theo phong cách Tây luôn. Mấy món phổ biến và bạn sẽ được ăn đi ăn lại như Cơm chiên trứng, Pizza, Spagetties, Potato, Mo Mo (kiểu như dimsum), Dal bhat… Nếu một ngày 12$ thì mình thấy ăn rất thoải mái.
  • Một phần ăn làm rất nhiều, đúng cho dân trekking luôn. Giá thì sẽ tăng dần từ thấp lên cao dao động khoảng 200Rp — 600Rp/món.
  • Thường sau khi ăn tối, chủ quán sẽ hỏi bạn order luôn cho buổi sáng hôm sau.

:

  • Các bạn sẽ được ở tại các Teahouse hay Lodge, phòng có giường nhỏ 1m. Nếu đi một mình thì có thể ở ghép hoặc nhiều Teahouse cho bạn ở luôn một phòng bự. Các bạn cũng không lo lạnh vì người ta cho cái mền rất dày.
  • Các bạn cứ đi đến nơi, dạo vài ba chỗ thử, chỗ nào ok thì ở thôi, không cần đặt phòng gì hết. Đa phần sẽ được free nếu ăn sáng , tối ở đó. Nếu đi mùa cao điểm như Tháng 10, 11 thì có nhiều chỗ phải trả tiền, thường 1 người khoảng 300Rp/đêm như Manang, Shreekhara, Tatopani. Còn những nơi như Tilicho Lake, High Camp bạn sẽ được trải nghiệm ngủ ở Dinning Room giá 100Rp cho một ô cửa sổ hay 2 mét vuông sàn lol.
  • Tắm: Đa phần các Teahouse sẽ có nước nóng, nhưng trước khi vào ở nên vô check lại cái cho chắc, tại hỏi thì nói có và không dùng được thì cũng như không. Dài nhất của mình là 2 ngày không tắm vì quá lạnh và lười =)))

Internet: Cái này chắc cũng nhiều bạn quan tâm, vì mình không mua sim nên chỉ có thể dùng wifi ở các Teahouse. Nhưng trải nghiệm của mình thấy wifi ở bên dưới thấp thì cực kì chậm, lên cao lại thấy nhanh hơn. Thường cũng sẽ free, lên đến Tilicho Lake hay High Camp thì mua 100Rp.

10. Chi phí

Budget này là mình liệt kê những chi phí bắt buộc bạn phải trả, còn một số chi phí khác như ăn chơi, quà cáp hay mua đồ thì tuỳ mỗi người nên mình không liệt kê trong đây. Ở đây mình mua bằng USD và Rupee nên mình sẽ quy hết ra USD cho dễ.

Chi phí bắt buộc

  • Vé máy bay khứ hồi SGN — KTM: 410$ (Dùng thẻ visa bị charge thêm 3% phí chuyển đổi ngoại tệ).
  • Visa 30 ngày: 40 $
  • TIMS & ACAP (giấy phép leo núi): 37$ (2000 + 2300 Rp)
  • Travel Insurance: 20$ (Mình mua của Liberty. Cái này tuy không bắt buộc khi nhập cảnh, nhưng bạn nên mua nha. Hãy nghĩ cho người thân của mình ở nhà haha).
  • Chi phí trung bình một ngày (gồm tiền ăn, nước, phòng nếu có): 15$ * 20 ngày. (Tuỳ mỗi ngày, có thể ít hơn tầm 10$ — 12$)
  • Di chuyển (Taxi, Bus): 25$

Tổng cộng: 832$

Chi phí khác ( tuỳ thuộc mỗi người)

  • Mua gear: Cái này chắc chắc sẽ có, nhiều ít tuỳ mỗi bạn dao động từ 100$ — 300$.
  • Quà cáp, ăn chơi…

Nepal cũng thuộc dạng đất nước không quá đắt đỏ, chi phí chủ yếu là tiền Vé máy bay, Visa, Trekking Permit và Gear. Các bạn có thể thấy tiền vé máy bay chiếm gần một nửa chi phí chuyến đi, bởi vậy nếu tìm được vé rẻ thì tiết kiệm được kha khá.

OK VẬY LÀ XONG, CHUẨN BỊ LÊN ĐƯỜNG THÔI 😉

TO BE CONTINUE…

Recommended Articles

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *